Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) của Quảng Ninh đã bảo hộ và giới thiệu gần 200 sản phẩm ra thị trường trong nước và hướng tới thế giới.

OCOP là gì?

OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Đây được coi là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện.

Trên thế giới có chương trình OCOP chưa?

Ông Nguyễn Minh Tiến, Chánh Văn phòng điều phối (VPĐP) Nông thôn mới Trung ương: Chương trình OCOP có thể nói là không mới trên thế giới. Trước đây, đã có chương trình “Làng mới” của Hàn Quốc, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” của Nhật Bản… cũng có nhiều nội dung tương tự. Nhưng những chương trình này thường bao hàm nhiều nội dung phát triển ở nông thôn, từ hạ tầng, cơ sở sản xuất, vai trò chủ thể của người dân… Sau này, Thái Lan được coi là quốc gia thành công nhất về OCOP khi hình thành được 72.000 sản phẩm với nhiều kênh phân phối hiệu quả sau 16 năm triển khai chương trình.

OCOP Quảng Ninh là gì?

Từ tháng 10/2013, trên cơ sở sáng kiến của Ban Xây dựng nông thôn mới, UBND Tỉnh đã phê duyệt Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” gọi tắt là OCOP, với mục tiêu phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế ở các địa bàn xã, phường, thị trấn.

Quảng Ninh cũng là tỉnh đầu tiên ở Việt Nam triển khai Chương trình OCOP dựa trên các kinh nghiệm học hỏi từ OVOP quốc tế và triển khai ở Việt Nam. Sau hơn ba năm triển khai, toàn tỉnh có gần 200 sản phẩm OCOP với bao bì, nhãn mác, kiểu dáng chuyên nghiệp thuộc nhóm thực phẩm, ẩm thực, đồ uống…

giới thiệu về Nam Dược Y Võ
Anh Nguyễn Văn Mạnh (ngoài cùng, bên phải), Giám đốc Công ty Nam dược Y Võ giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ OCOP tỉnh.

Nếu như trước đây, người tiêu dùng chỉ biết đến ít thương hiệu sản phẩm của địa phương như: Gà Tiên Yên, Chả mực Hạ Long, Miến Dong Bình Liêu…Thì giờ đây, thông qua chương trình OCOP, nhiều nông sản ở các vùng miền, địa phương trong tỉnh như: Vải Phương Nam, Nước mắm Cái Rồng, Na dai, gạo nếp cái hoa vàng Yên Đức (Đông Triều), Ba kích tím, Trà hoa vàng Ba Chẽ, Khau Nhục, Bánh gật gù, Kẹo Lạc Hồng Tiên Yên, Bánh gio, Nem chua Quảng Yên, Sá sùng, Ruốc, Hàu Vân Đồn; Chè, Mía tím, Bánh chưng Cơm Lông Hải Hà; Miến dong, Mật Ong, Dầu Sở Bình Liêu; Mực một nắng,Cá Thu một nắng, sứa Cô Tô; Tinh dầu Trầu tiên, rượu Mơ Yên Tử; Ruốc Hàu, Ruốc Cơ Trai Vân Đồn; Ổi, Rượu Bâu Hoành Bồ… đã được nhiều người biết đến, ưa chuộng và tin dùng.

Cùng với chương trình OCOP, hàng năm tỉnh Quảng Ninh đều tổ chức Hội chợ OCOP vào các dịp hội hè trong năm thu hút được sự quan tâm của người dân và du khách. Hội chợ lần nào đươc tổ chức cũng rơi vào tình trang “cháy hàng” vì lượng mua của người dân quá lớn, các gian hàng OCOP phải liên tục nhập thêm hàng để đảm bảo cung cấp đủ cho nhu cầu mua sắm của du khách và người dân. Chỉ riêng hội chợ OCOP Quảng Ninh hè 2016 diễn ra từ ngày 29/4 – 3/5 đã thu hút gần 6 vạn lượt khách đến tham quan và mua sắm. Doanh thu bán hàng trực tiếp của các địa phương luôn đạt con số kỷ lục với hàng tỷ đồng chỉ sau vài ngày diễn ra.

Kết nối đưa sản phẩm OCOP lên kệ hàng siêu thị

Dù đã vang danh ở thị trường trong nước và được người dân ưa chuộng nhưng đường lên kệ hàng của các sản phẩm OCOP Quảng Ninh vẫn còn lắm gian nan.

Đó là việc gặp khó khi làm thủ tục hồ sơ giấy tờ xin cấp giấy chứng nhận ATTP – ‘giấy thông hành’ tới thị trường. Dù có tới gần 200 sản phẩm OCOP nhưng hiện Quảng Ninh mới có 21 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận công bố hợp quy hoặc phù hợp quy định ATTP. Theo tiết lộ của một công ty, dù có tới 10 năm kinh nghiệm mà để hoàn tất thủ tục giấy tờ công bố chất lượng sản phẩm, công ty này cũng phải mất tới 2 tháng. Sự rắc rối này khiến các hợp tác xã, doanh nghiệp, người dân e ngại. Trong khi thiếu giấy thông hành chứng nhận hợp quy hay phù hợp quy định ATTP, đường vào siêu thị hay ra các tỉnh thành lớn như Hà Nội, TP.HCM của các sản phẩm OCOP… còn xa.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm gian hàng của Nam Dược Y Võ – OCOP
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm gian hàng của Nam Dược Y Võ – OCOP

Về vấn đề này, chia sẻ với Báo Quảng Ninh, ông Phạm Ngọc Thuỷ, Phó Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm OCOP, thời gian tới ngành sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ với các nhà phân phối trong và ngoài nước, từng bước đưa hội chợ OCOP cấp tỉnh trở thành hoạt động thường niên. Bên cạnh đó, các đơn vị và địa phương cần hỗ trợ tích cực hơn nữa cho các tổ chức, cá nhân đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, kiểu dáng bao bì. Đặc biệt, các địa phương cần rà soát đưa ra các sản phẩm chủ lực để tập trung phát triển, đẩy mạnh liên kết giữa các tổ chức, cá nhân và nhất là thúc đẩy hệ thống bán hàng trực tuyến.

Nhân rộng mô hình OCOP ở tỉnh Quảng Ninh

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về các chương trình mục tiêu quốc gia, đã chủ trì cùng sự tham dự của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường và lãnh đạo các bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố và nhiều doanh nghiệp phân phối trên cả nước.

Từ mô hình rất thành công tại tỉnh Quảng Ninh nhiều năm qua, vào tháng 5-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 490/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mỗi xã Một sản phẩm giai đoạn 2018 – 2020 (OCOP) để triển khai trên phạm vi cả nước. Đây cũng là nhiệm vụ trong triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Báo cáo tại hội nghị, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết, đây là chương trình sản xuất và quảng bá thương hiệu của nhiều sản phẩm có chất lượng tốt nhưng ít người biết tới do các doanh nghiệp nhỏ và hợp tác xã kiểu mới làm ra.

Thực hiện từ năm 2013, từ chỗ chỉ có 40 sản phẩm và 30 đơn vị tham gia, đến nay tại Quảng Ninh đã phát triển được gần 300 sản phẩm và hơn 200 đơn vị trong chương trình OCOP, nhờ vậy đã giúp người dân địa phương phát huy được những lợi thế sản phẩm độc đáo mà có giá trị cao ở làng quê mình đang sống.

Chất lượng sản phẩm OCOP?

Việc chuẩn hóa sản phẩm sẽ có những nội dung giám sát riêng về chất lượng. Ở Quảng Ninh có gần 400 sản phẩm OCOP nhưng đến nay mới có 2 sản phầm được xếp hạng 5 sao – hạng sản phẩm quốc gia hướng tới xuất khẩu. Bộ NN&PTNT có bằng đánh giá xếp hạng tương tự và hạng sao quốc gia sẽ có những tiêu chí khắt khe hơn nhưng cũng sẽ có những hỗ trợ phát triển tốt hơn. Còn các cấp chính quyền địa phương sẽ có tránh nhiệm giám sát các sản phẩm hạng dưới đó. Với các hạng sản phẩm từ 1 sao tới 5 sao, sẽ góp phần thúc đẩy cộng đồng không ngừng cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.